Ngày đăng: 02:41 PM 16/11/2022 - Lượt xem: 3419
Cụ thể, sau một thời gian điều tra, mới đây Công an bất ngờ kiểm tra hai kho lạnh của công ty T.Ng, chuyên cung cấp rau, củ cho chợ Bình Điền và tiểu thương ở các tỉnh lân cận, trụ sở tại khu dân cư Bình Điền (Quận 8). Thời điểm kiểm tra, lực lượng phát hiện 1,7 tấn củ cải đỏ, hơn 8,5 tấn bông cải trắng, hơn 1,5 tấn bông cải xanh... Tổng cộng gần 12 tấn rau, củ các loại có bao bì ghi tiếng Trung Quốc và không có nhãn phụ tiếng Việt, không hóa đơn chứng minh nguồn gốc.
Làm việc với lực lượng chức năng, ông T. thừa nhận số rau củ ngoại nhập nêu trên được mua trôi nổi trên thị trường nên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Hiện lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH sản xuất chế biến rau củ quả T.N. về hành vi "kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm". Đồng thời, lập biên bản tạm giữ toàn bộ số rau, củ không rõ nguồn gốc nêu trên để lấy mẫu phân tích, xử lý theo quy định.
Theo một cán bộ điều tra cho biết, đây là công ty cung cấp rau, củ quy mô rất lớn, số hàng trên sẽ được thay đổi thông tin nguồn gốc xuất xứ, khi ra thị trường trở thành hàng Đà Lạt để đánh vào tâm lý người tiêu dùng nhằm thu lợi bất chính.
Vụ việc vẫn đang được điều tra và làm rõ.
Có thể thấy, trường hợp tự xưng rau sạch, rau an toàn để bán được mức giá cao hơn xảy ra không ít. Việc đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM chia sẻ: người kinh doanh đã thay bao bì, đóng gói sản phẩm không đúng với xuất xứ ban đầu thuộc trường hợp “giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa” quy định tại khoản 7, Điều 3 Nghị định 98/2020.
“Trường hợp “Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa” thì người vi phạm có thể bị xử phạt 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với giá trị hàng hóa dưới 1 triệu đồng. Mức phạt cao nhất đối với hành vi này lên đến 50 triệu đồng. Nếu hàng hóa là thực phẩm thì mức phạt gấp hai lần mức nêu trên”- Luật sư Lê Văn Hoan nói.
Tùy tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi thậm chí người vi phạm có thể bị xử lý về tội Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm theo Điều 193 BLHS.
Lực lượng chức năng nhận định, từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình nhập lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng hoa quả, rau củ không rõ nguồn gốc xuất xứ qua khu vực biên giới sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về thị trường, nhất là đối với khu vực biên giới. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân nâng cao nhận thức và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật; vận động doanh nghiệp, người tiêu dùng không tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
SHTT