Ngày đăng: 02:38 PM 28/06/2022 - Lượt xem: 719
CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4 niên độ 2021- 2022 (01/04/2021 - 31/03/2022) với doanh thu thuần hơn 1.153 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng tới 150% lên hơn 1.000 tỷ đồng, khiến biên lãi gộp bị co lại đáng kể từ 36,3% xuống còn 13%. Lợi nhuận gộp tương ứng gần 149 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ chi phí, TCH lãi ròng hơn 177 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ niên độ trước, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 100,6 tỷ đồng.
Lũy kế toàn niên độ, TCH ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.756 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 624,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 38% và 40% so với năm trước. Với kết quả đạt được, công ty mới thực hiện được gần 70% kế hoạch doanh thu và 61% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Thời điểm 31/3/2022, tổng tài sản của TCH đã tăng đến 42% so với đầu niên độ đạt 14.668 tỷ đồng. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng gần 3.000 tỷ đồng (tương đương 60%) so với đầu niên độ lên mức hơn 8.000 tỷ đồng và đều là tiền gửi ngân hàng với lãi suất từ 4,8 - 6,15%. Trước đó, trong năm 2021, TCH đã thực hiện tăng vốn từ 3.800 tỷ đồng lên gần 6.700 tỷ đồng, khả năng số tiền này vẫn đang được công ty gửi ngân hàng.
Nhờ lượng tiền gửi ngân hàng lớn, TCH thu về lãi tiền gửi hơn 327 tỷ đồng trong năm qua, bù đắp sự sụt giảm của doanh thu.
Về phía nguồn vốn, tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn của TCH ở mức 825 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần so với đầu niên độ. TCH đang phải gánh chi phí lãi vay hơn 16 tỷ đồng trong năm qua.
Niên độ 2021 - 2022, TCH lên mục tiêu 4.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.028 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, công ty mới đạt 69% kế hoạch doanh thu và gần 61% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Một khó khăn nữa của TCH đó là, tính đến cuối quý 4 niên độ 2021-2022, hàng tồn kho là 2.600 tỷ đồng, chủ yếu nằm dưới dạng chi phí dở dang ở các dự án, như dự án cải tạo chung cư cũ HH1 - HH4 Đặng Quốc Bình, Hoang Huy Comerce, Hoàng Huy - Sở Dầu, và thành phẩm bất động sản (BĐS) ở các dự án: dự án Nhà ở Xã hội An Đồng, An Dương, Tòa nhà N01, Tòa nhà Gold Tower, Hoàng Huy Riverside... Điều này làm cạn kiệt dần dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TCH, khiến doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các dự án mới.
Quả vậy, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TCH đã chuyển từ dương 333 tỷ đồng sang âm 354 tỷ đồng tại thời điểm cuối niên độ 2021-2022 chủ yếu do tăng mạnh các khoản phải thu và tồn kho lớn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với dòng tiền thuần từ kinh doanh của TCH đang âm, rõ ràng nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn mới cho các dự án không hề dễ dàng, cho dù các dự án của TCH đều là đất sạch thuộc trung tâm thành phố Hải Phòng và có giá đất rẻ nhờ hoạt động hoán đổi từ các hợp đồng BT. Đây là lợi thế lớn của TCH so với các dự án khác. Cùng với đó, TCH đang được hưởng lợi từ việc thị trường bất động sản ở Hải Phòng đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn tham gia.
Tuy nhiên, toàn bộ quỹ đất của TCH hình thành từ các hợp đồng BT là một rủi ro, đặc biệt khi triển khai mô hình này còn gây nhiều tranh cãi. Đây sẽ là thách thức lớn cho TCH trong bối cảnh doanh thu và lợi nhuận giảm sâu, nhất là khi doanh nghiệp này chưa có phương án khắc phục nhằm vực dậy ngành kinh doanh chính của mình.
SHTT