Ngày đăng: 11:18 AM 17/11/2021 - Lượt xem: 784
Quảng cáo rầm rộ sản phẩm Maxmeli
Thời gian qua, trên một số website, nền tảng Internet xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo về sản phẩm TPBVSK Maxmeli có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Điển hình là thông tin quảng cáo sản phẩm Maxmeli tại website https://www.caithienchieucao.com, https://www.hoichieucao.com/. Hai webiste này ghi thuộc sở hữu của đơn vị mang tên "Shop Maxmeli" (địa chỉ 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội).
Trên hai website này, TPBVSK Maxmeli được quảng cáo có công dụng "Hỗ trợ tăng chiều cao bằng Aquamin F; Bổ sung vitamin D3 giúp tổng hợp canxi hiệu quả; Hỗ trợ chắc khoẻ xương; Sản phẩm đạt tiêu chuẩn GMP WHO; Hỗ trợ tăng chiều cao hiệu quả giúp xương và răng chắc khoẻ". Sản phẩm này còn được quảng cáo có hiệu quả chỉ sau 20-30 ngày uống và "chiều cao sẽ được tăng lên trông thấy". Đồng thời, theo nội dung quảng cáo trên webiste, sản phẩm còn dùng được cho cả "phụ nữ có thai và cho con bú".
Theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh; Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm cũng quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.
Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.
Mặc dù pháp luật cấm các hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng giống với thuốc chữa bệnh, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, với mục tiêu thu hút, "gài bẫy" người dùng. Bằng mánh khóe hết sức tinh vi, những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm có thể thu lợi bất chính tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Kéo theo đó là hàng loạt người tiêu dùng, người dân vì nhẹ dạ, thiếu hiểu biết đã rơi vào bẫy lừa đảo, dẫn đến tình cảnh "tiền mất tật mang".
Mánh khóe đưa người tiêu dùng vào "bẫy"
Sau khi điền đủ thông tin như hướng dẫn, phóng viên ngay lập tức nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là "Chuyên viên dinh dưỡng" với 5 năm kinh nghiệm trong hỗ trợ khách hàng sử dụng sản phẩm tăng chiều cao. Người này giới thiệu sản phẩm Maxmeli "được sản xuất theo công nghệ tiên tiến hiện đại của Mỹ, thành phần chính là nano canxi có công dụng giúp thẩm thấu canxi vào các đầu sụn khớp, kích thích mô xương sụn phát triển tự nhiên. Đồng thời giúp cho việc hấp thu canxi từ thức ăn hàng ngày đạt hiệu quả tối đa".
Mặc dù theo nội dung chương trình khuyến mãi trên website https://www.caithienchieucao.com, sản phẩm Maxmeli "chỉ tặng, không bán", tuy nhiên, theo người tư vấn sản phẩm, Maxmeli có giá thành hơn 02 triệu đồng gồm 03 lọ khác nhau và do công ty có chương trình khuyến mãi nên khách hàng chỉ phải thanh toán chi phí đóng thuốc và phí vận chuyển với tổng số tiền 850.000 đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Bộ Y tế không cấp bất cứ giấy tờ "kiểm định" cho bất cứ sản phẩm thực phẩm chức năng nào. Loại "kiểm định" mà người này nói trên thực tế chỉ là "Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm" mà Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp cho các doanh nghiệp, đơn vị chịu trách nhiệm công bố sản phẩm. Còn về việc chất lượng sản phẩm có tốt và đúng như doanh nghiệp tự công bố hay không thì phải qua quá trình hậu kiểm mới có thể xác định được.
Có thể thấy, đây rõ ràng là chiêu trò mượn danh cơ quan y tế (cụ thể là Cục An toàn thực phẩm) để quảng cáo trái phép cho sản phẩm Maxmeli. Nếu không tỉnh táo, người dùng rất dễ tin vào những thông tin này và mua phải sản phẩm không có hiệu quả như mong muốn.
Trên hai trang website https://www.caithienchieucao.com, https://www.hoichieucao.com/, bên cạnh những hình ảnh tin nhắn phản hồi của khách hàng (chưa xác định được là thật hay giả) còn có những video được dẫn lại từ Youtube. Nội dung video xoay quanh việc quảng cáo cho hiệu quả của việc sử dụng sản phẩm tăng chiều cao Maxmeli.
Tuy nhiên, nếu xem hết và để ý kỹ các chi tiết trong video này, khách hàng hoàn toàn có thể nhận ra rằng, nội dung của các video dường như đã được dàn xếp trước. Bởi thông tin về hiệu quả của sản phẩm được nêu trong video là phi lý và khó thành hiện thực. Cụ thể, trong video có một người (tự giới thiệu đã từng sử dụng sản phẩm) và sau 2 tháng, chiều cao được cải thiện rõ rết từ 1m48 lên đến 1m57?
Từ những phân tích nêu trên có thể thấy, việc quảng cáo sản phẩm Maxmeli hiện nay đang có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng về công dụng, chất lượng thực sự của sản phẩm.
Đối với những thông tin phản ánh về việc sản phẩm Maxmeli quảng cáo có dấu hiệu sai quy định pháp luật, dư luận không khỏi thắc mắc liệu Công ty TNHH Thương mại và Truyền thông Seson (đơn vị phân phối, công bố sản phẩm) có chịu trách nhiệm? Những website quảng cáo “thổi phồng” chất lượng sản phẩm Maxmeli có phải do công ty này điều hành? Nếu chất lượng sản phẩm Maxmeli không đúng như quảng cáo, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?