Ngày đăng: 10:06 AM 16/03/2022 - Lượt xem: 747
Theo đơn phản ánh của chị N.T.T.H địa chỉ tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội mà phóng viên SHTT nhận được: Sau khi sử dụng sản phẩm “xịt khử mùi nữ Rexona Shower Clean 150ml” được nhập khẩu bởi Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam do hệ thống nhà thuốc Pharmacity phân phối, chị N.T.T.H bị viêm da dị ứng, phải điều trị tại bệnh viện nhiều ngày ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, công việc và mất thêm chi phí chữa bệnh (dù trước đó chị không dùng bất kỳ sản phẩm nào khác). Chị H. cho biết cũng chưa nhận được sự phản hồi thỏa đáng từ Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam hay hệ thống nhà thuốc Pharmacity về trách nhiệm với sản phẩm của mình cũng như đối với người tiêu dùng.
Theo đó, ngày 17/02/2022, chị H. có đặt mua sản phẩm “xịt khử mùi nữ Rexona Shower Clean 150ml” cùng một số sản phẩm khác của nhà thuốc Pharmacity, địa chỉ tại Tòa A6, chung cư An Bình City, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Chiều ngày 19/2, chị H. bắt đầu sử dụng xịt khử mùi Rexona. Khoảng 2 tiếng sau khi dùng, chị H. thấy bắt đầu có dấu hiệu ngứa, mẩn nhiều nốt đỏ vùng nách, sau đó lan ra mẩn toàn thân và rất rát ngứa. Đến khoảng 21h tối, chị H. có ra nhà thuốc Pharmacity (nơi đã mua sản phẩm - pv) mua và uống thuốc chống dị ứng ngay sau khi được nhân viên nhà thuốc tư vấn. Nhưng sáng hôm sau không thấy đỡ mà tình trạng 2 nách rất đỏ và rát, toàn thân nổi thêm nhiều đám mẩn đỏ.
Tới sáng ngày 20/2, chị H. phải vào khám cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 354. Được biết, chị H. chưa từng có tiền sử bị dị ứng với bất cứ thứ gì và cũng không sử dụng đồ ăn hay thuốc, sản phẩm mỹ phẩm nào khác ngoài sản phẩm Rexona trong thời gian kể trên. Qua các xét nghiệm lâm sàng, ban đầu bác sĩ chẩn đoán chị H. bị dị ứng CRNN và kê đơn thuốc cho chị về nhà uống.
Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc 01 ngày, chị H. không thấy đỡ mà tiếp tục bị mẩn đỏ, có hiện tượng bỏng rát nặng hơn, nên chiều ngày 21/2, chị H. đã quay lại tái khám tại viện 354 và được yêu cầu nhập viện ngay để điều trị bởi tình trạng dị ứng nặng. Sau đó chị H. xin chuyển sang nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh (Số 8 Châu Văn Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để điều trị do tình trạng hôm đó viện 354 quá tải và có nhiều ca bị covid. Tại đây, sau khi thực hiện khám và xét nghiệm triệu chứng, xét nghiệm covid âm tính, bác sĩ chẩn đoán chị H. bị viêm da tiếp xúc dị ứng và cũng yêu cầu nhập viện ngay. Trong quá điều trị, chị H. phải uống rất nhiều thuốc và truyền dịch liên tục cả ngày đêm để đào thải độc tố. Sau 3 ngày thì các triệu chứng bắt đầu thuyên giảm dần, sức khỏe dần ổn định hơn. Trong quá trình nằm viện, chị H. thường xuyên được test covid để tránh bị nhiễm chéo bệnh dịch.
Ngày 26/2 chị H. được làm thủ tục ra viện. Tuy nhiên, khi bác sĩ kiểm tra lại lần cuối thì phát hiện ra chị H. bị dương tính với Covid. Sau đó chị H. chuyển về nhà để cách ly và phải uống thuốc điều trị các triệu chứng ho sốt. Do vừa điều trị dị ứng tại bệnh viện, sức đề kháng của chị H. yếu nên tình trạng covid bị nặng và rất mệt mỏi.
Ngay từ lúc mới có triệu chứng, chị H. có gọi điện cho tổng đài của nhà thuốc Pharmacity, chị được hướng dẫn ngưng sử dụng và có nhân viên chăm sóc hỗ trợ. Tuy nhiên sau khi liên hệ rất nhiều lần thì chỉ có 1 nhân viên của Unilver nhắn tin xin hình ảnh về tình trạng của chị H. và hình ảnh của sản phẩm để kiểm tra. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện Hồng Ngọc, chồng chị H. đã nhiều lần liên hệ với nhà thuốc Pharmacity để được giải quyết và có lời giải thích thỏa đáng về sản phẩm, tuy nhiên phía nhà thuốc lại có dấu hiệu lảng tránh, hướng dẫn chị liên hệ với bên Công ty Unilever. Sau khi chị H. nhiều lần yêu cầu, ngày 24/2, bên Unilver có đến liên hệ với chị H., nói là đại diện của công ty Unilever đến chỉ để xác minh và muốn xin lại sản phẩm mang về, chị H. đã cho chụp lại toàn bộ bệnh án và chai sản phẩm nhưng chị không đồng ý cho mang sản phẩm về. Đồng thời chị H. yêu cầu công ty phải cử người có trách nhiệm giải quyết đến để trao đổi. Sau đó rất nhiều ngày, chị H. cố gắng liên hệ nhiều lần với bên nhà thuốc Pharmacity và Unilever đều không nhận được phản hồi.
Ngày 1/3, chị H. có nhận được 1 bức thư qua tin nhắn zalo, tổng đài chăm sóc khách hàng của bên Công ty Unilever thông báo xác nhận chị H. có dùng sản phẩm đúng của hãng và có tặng chị 1 bộ sản phầm gồm:
- 2 chai Lifebuoy handwash gel
- 2 chai PS mouth wash
- 10 cái khẩu trang
- 1 máy SPO2
- 1 nhiệt kế điện tử Microlife MT500
- 1 túi đựng cứu thương màu đỏ
- 2 viên pin
Chị H. có nhắn lại là không đồng ý, muốn được người có trách nhiệm giải quyết vụ việc đến gặp trực tiếp chứ không phải báo qua tin nhắn như vậy nhưng không được phản hồi.
Để xác minh thông tin, Phóng viên báo Sở hữu trí tuệ đã đến Nhà thuốc Pharmacity nơi chị H. mua sản phẩm xịt khử mùi nữ Rexona Shower Clean 150ml để tìm hiểu thì được biết Nhà thuốc Pharmacity có bán sản phẩm và có xuất xứ từ Úc, do Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam chịu trách nhiệm nhập khẩu và đưa ra thị trường, có tem phụ chỉ dẫn tuy nhiên khi thử tiến hành qua phần mềm icheck thì sản phẩm chưa có nhiều thông tin (chỉ có tên, giá sản phẩm và không nhận được nhiều đánh giá từ khách hàng sử dụng). Ngoài ra, qua tìm hiểu từ nhân viên tư vấn bán hàng thì các sản phẩm dành cho vùng da nách có rất nhiều loại như loại sáp, lăn, bôi, loại xịt của nhiều hãng với nhiều công dụng khác nhau nhưng riêng loại xịt sẽ ít tác dụng hiệu quả hơn và có thể gây ngứa một chút lúc đầu nhưng không ảnh hưởng nhiều, ngoài ra nhân viên cũng không giải thích gì thêm.
“Tôi đang rất lo lắng bởi sản phẩm của công ty mà lại tiếp tục gửi tặng thêm sản phẩm với cách thiếu tôn trọng, coi thường tính mạng sức khỏe khách hàng như vậy trong khi vì việc này phải nghỉ làm đến nay là tổng 16 ngày. Quá trình điều trị tại viện và nghỉ cách ly bởi nhiễm covid, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, công việc, thu nhập trong khi bản thân đang nuôi con nhỏ phải nhờ người trông giúp”, chị N.T.T.H bức xúc trao đổi cùng phóng viên.
Theo Điều 14 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2020, người tiêu dùng có quyền “Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp”; “Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, dịch vụ; tổ chức, cá nhân kinh doanh; nội dung giao dịch sản phẩm, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về sản phẩm, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng” và “ được Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật”.
Và Luật cũng quy định hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh khi “Không bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo quy định của pháp luật gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
theo SHTT