Ngày đăng: 09:33 AM 13/09/2021 - Lượt xem: 763
Liên minh Sáng tạo và Giải trí (The Alliance for Creativity and Entertainment- ACE) được biết đến là tổ chức lớn nhất thế giới hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ thị trường bản quyền kỹ thuật số hiện nay trên thế giới.
Và mới đây, ACE đã có bài viết thể hiện sự ủng hộ các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam sau quyết định khởi tố người đứng đầu web phim lậu phimmoi.net.
Trong nội dung bài viết, ACE cho biết, việc thực hiện tốt hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ mang lại lợi ích to lớn cho ngành công nghiệp sản xuất của quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng. Đồng thời, hoạt động này cũng góp phần thúc đẩy sự đổi mới, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, ACE cho rằng, việc chính thức khởi tố PHIMMOI và những người liên quan chứng minh khung pháp lý hình sự tại Việt Nam có thể được áp dụng một cách hiệu quả để chống lại nội dung vi phạm bản quyền.
Theo ACE, PHIMMOI là website phát phim lậu được truy cập nhiều nhất Việt Nam. Trong giai đoạn cao điểm từ tháng 6/2019-6/2020, phimmoi.net là trang web phổ biến thứ 22 tại Việt Nam, đạt trung bình 69 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Tháng 4/2021, phimmoi.net bị Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cáo buộc vi phạm bản quyền nghiêm trọng, đăng tải trái phép hàng nghìn bộ phim và chương trình truyền hình.
Theo ACE, Phimmoi có thể kiếm về 170.000 USD mỗi tháng chỉ riêng doanh thu quảng cáo. Nhưng thiệt hại mà trang web này gây ra cho ngành sản xuất nội dung của Việt Nam và quốc tế có thể lên đến hàng chục triệu USD.
Chia sẻ về vấn đề vi phạm bản quyền kỹ thuật số hiện nay, ông Jam van Voorm, Phó chủ tịch Điều hành kiêm Giám đốc Bảo vệ Nội dung Toàn cầu của Hiệp hội Điện ảnh chia sẻ: “Trong thế giới kỹ thuật số, các loại hình giải trí nằm trong tay người dùng, từ phim ảnh, chương trình truyền hình đến trò chơi điện tử hay sự kiện thể thao trực tiếp. Tuy nhiên, sự dễ dàng trong cách tiếp cận đã làm gia tăng các vi phạm bản quyền kỹ thuật số”.
Ông Voorm cũng cho rằng, các vi phạm bản quyền này không chỉ gây hại cho ngành công nghiệp sản xuất nội dung tại Việt Nam và quốc tế mà còn khiến người dùng gặp nhiều rủi ro.
Các chuyên gia cho biết, loại phần mềm độc hại được nhúng trong các trang web vi phạm bản quyền có thể bao gồm phần mềm độc hại đặc biệt có hại như trojan truy cập từ xa cho phép tin tặc kích hoạt và ghi lại từ webcam của thiết bị mà nạn nhân không hề hay biết. Ngoài ra, các mã độc khác nhằm mục đích xâm nhập và chiếm quyền kiểm soát thiết bị cũng sẽ khiến người dùng bị đặt trước nguy cơ bị tội phạm tấn công.
Rủi ro về phần mềm độc hại đã được chứng thực trong một nghiên cứu của White Bullet, có trụ sở tại Vương quốc Anh, trên 800 trang web vi phạm bản quyền phổ biến ở Việt Nam trong thời gian ba tuần vào tháng 3 năm 2021. Báo cáo này cho thấy 72% các trang web vi phạm bản quyền phổ biến ở Việt Nam chứa các quảng cáo rủi ro cao như quảng cáo cờ bạc bất hợp pháp và quảng cáo gian lận/ phần mềm độc hại.
ACE nhấn mạnh, các hành vi đánh cắp nội dung kỹ thuật số là mối đe dọa lớn nhất đối với cộng đồng nghe nhìn toàn cầu. Nó gây hại cho các bộ phim và doanh nghiệp trong và ngoài nước, đe dọa việc làm, khiến người tiêu dùng gặp rủi ro, làm suy yếu đầu tư, giảm đóng góp thuế cho chính phủ và kìm hãm sự phát triển của các nhà sáng tạo nội dung.
Bài viết của ACE cũng nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ vi phạm bản quyền kỹ thuật số cao nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Một cuộc khảo sát vào tháng 3 năm 2021 do nhóm nghiên cứu người tiêu dùng YouGov có trụ sở tại Anh thực hiện cho thấy 60% người tiêu dùng Việt Nam hiện đang truy cập các trang web truyền trực tuyến hoặc torrent vi phạm bản quyền và 21% người tiêu dùng sử dụng thiết bị phát trực tuyến bất hợp pháp (ISD) để truy cập các chương trình truyền hình / video có chứa nội dung bản quyền.
Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á duy nhất được YouGov khảo sát cho thấy tình trạng vi phạm bản quyền phát trực tuyến gia tăng trong 24 tháng qua.
Được biết, vào ngày 19/8/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến hành vi xâm phạm quyền tác giả tại website Phimmoi.net.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM yêu cầu 3 cá nhân có liên quan đến ban quản trị và việc vận hành, giao dịch website www.phimmoi.net bao gồm Nguyễn Tuấn Tú, Cao Thanh Lai và Cao Duy Anh đến PC03, Đội 9 để làm rõ sự việc. Đồng thời, đề nghị các bị hại là các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, đại diện chủ thể quyền tác giả cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan đến hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, từ năm 2014, đối tượng Nguyễn Tuấn Tú (ngụ tỉnh Lâm Đồng) có kế hoạch xây dựng phát triển website chiếu phim trực tuyến miễn phí trên mạng Internet.
Ngoài ra, Tú còn thuê hai cá nhân có trình độ kỹ thuật cao về công nghệ thông tin là Cao Thanh Lai và Cao Duy Anh (đều 31 tuổi, ngụ Đồng Nai) để thực hiện lập trình, quản trị, vận hành website phimmoi.net
Nhóm này đã sao chép, khai thác, sử dụng, trình chiếu, truyền đạt các tác phẩm điện ảnh ra công chúng khi không được phép của chủ thể quyền. Không những vậy, website này còn kinh doanh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trái phép trên các bộ phim có bản quyền nhằm thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn.
Chuyên gia Phạm Tấn Anh Vũ cho biết: Các trang phim lậu thu lợi trái phép với lợi nhuận cực lớn vì không mất chi phí sản xuất phim, sản xuất nội dung. Hơn nữa, các trang phim lậu còn được hưởng lợi từ việc đặt quảng cáo cá độ trực tuyến và các dịch vụ bất hợp pháp. Giá thành của các quảng cáo có nội dung này thường cao hơn hẳn so với thông thường bởi đây đều là các nội dung bị cấm.
Được biết, hầu hết nguồn quảng cáo của Phimmoi đến từ Skimlinks (chiếm 31,65%), MGID (30,40%), Propeller Ads Media (23,62%) và PopAds (14,33%). Đây đều là những mạng lưới kiếm tiền online từ quảng cáo có trụ sở ở nước ngoài nên rất khó trong vấn đề xử lý vi phạm.
Thái An