Ngày đăng: 10:10 AM 11/01/2022 - Lượt xem: 866
Cả con nợ và quản tài viên đều… giải thể
Điều đáng nói là sự chậm trễ này khiến các tài sản xuống cấp nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn đến quền lợi của ngân hàng, trong đó Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) là ngân hàng có 51% vốn Nhà nước.
Tìm hiểu câu chuyện, chúng tôi được biết, Công ty TNHH Sikar là khách hàng của PVcomBank theo Hợp đồng tín dụng số 0405/2017/HĐHM-DN.HUE ngày 10/05/2017. Do khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ và không còn khả năng thanh toán, tháng 05/2018, PVcomBank đã khởi kiện khách hàng và được Tòa án nhân dân (TAND) Hải Lăng thụ lý, giải quyết. Tuy nhiên, vụ việc đã bị đình chỉ theo Quyết định số 01 ngày 15/08/2018 do Sikar có đơn đề nghị mở thủ tục phá sản doanh nghiệp được Tòa án thụ lý theo Thông báo số 01/2018/TB-TLPS ngày 14/08/2018.
Vụ việc phá sản được TAND huyện Hải Lăng giao Doanh nghiệp Tư nhân Quản lý và Thanh lý tài sản (DNTN QL&TLTS) Quảng Trị là quản tài viên xử lý vụ việc.
Quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục phá sản, quản tài viên (PVcomBank cùng tham gia) đã kiểm kê và phát hiện một số tài sản đảm bảo tại Nhà máy Sikar có sự thay đổi về hiện trạng so với thời điểm thế chấp. Tuy nhiên, phía TAND huyện Hải Lăng không có ý kiến gì đối với nội dung này và đã hoàn thiện hồ sơ và tổ chức 2 lần hội nghị chủ nợ (ngày 22/1/2019 và ngày 25/7/2019), song đều phải tạm hoãn do tỷ lệ chủ nợ không có bảo đảm tham gia hội nghị không đủ điều kiện theo Luật Phá sản.
Đến ngày 21/01/2020, TAND huyện Hải Lăng đã chuyển hồ sơ cho VKSND huyện Hải Lăng xem xét vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả. Sau khi tiếp nhận giải quyết, VKSND Hải Lăng đã chuyển hồ sơ cho Công an Hải Lăng để điều tra có dấu hiệu hình sự theo quy định. Theo đó, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Hải Lăng đang thực hiện việc xác minh thông tin để phục vụ công tác điều tra và chưa có kết luận cuối cùng.
Mặt khác, trong quá trình giải quyết, ngày 23/04/2021, PVcomBank nhận được Thông báo số 04B ngày 30/11/2020 của DNTN QL&TLTS Quảng Trị về việc chấm dứt hoạt động quản lý tài sản tại Công ty Sikar và đang làm thủ tục giải thể, đồng thời mọi hoạt động liên quan đến việc phá sản tại Công ty Sikar như: Tthu hồi các chi phí, niêm phong và mở niêm phong… đã được bàn giao đúng pháp luật cho ông Nguyễn Hữu Tình - quản tài viên tiếp nối thực hiện.
PVcomBank thiệt đơn hại kép
Ngay sau khi khoản vay quá hạn, PVcomBank đã căn cứ đề nghị của Sikar cũng như hiện trạng khoản vay để thực hiện việc niêm phong, ký hợp đồng và tạm ứng chi phí bảo vệ tài sản bảo đảm tại nhà máy (24/24h) cho PAMC. Tổng số tiền đã thanh toán từ ngày 01/09/2017 đến ngày 16/10/2018 (thời điểm bàn giao cho quản tài viên quản lý) là 321.282.500 đồng.
Sau khi thực hiện việc kiểm kê và tiếp nhận quản lý tài sản đảm bảo ngày 16/10/2018, quản tài viên đã niêm phong và làm việc để giao PAMC tiếp tục quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, vì không được thanh toán chi phí bảo vệ từ ngày 17/10/2018 đến ngày 10/11/2020 nên PAMC đã thông báo sẽ tạm dừng việc bảo vệ từ ngày 10/11/2020.
Nhận thấy việc PAMC ngừng thực hiện việc bảo vệ tài sản đảm bảo sẽ gây thiệt hại, từ ngày 10/11/2020 đến nay, PVcomBank tiếp tục thuê PAMC trông giữ, bảo vệ riêng đối với phần tài sản đảm bảo của PVcomBank. Tổng chi phí bảo vệ đã chi từ ngày 10/11/2020 đến 09/06/2021 là 84 triệu đồng và hiện nay PAMC đang tiếp tục trông giữ tài sản bảo đảm tại nhà máy.
Nhận thấy giá trị tài sản đảm bảo có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng do vụ việc bị kéo dài và không có đơn vị đầu mối thực hiện công tác bảo vệ nên PVcomBank đã nhiều lần có văn bản đề nghị Tòa án, quản tài viên, VKSND, Cơ quan Cảnh sát điều tra đẩy nhanh quá trình giải quyết và thống nhất phương án bảo vệ và xử lý các tài sản đảm bảo tại Nhà máy. Tuy nhiên, các đề nghị nói trên đến nay vẫn không nhận được phản hồi.Đại diện PVcomBank cho biết, quá trình xử lý bị kéo dài từ tháng 5/2018 đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm đã khiến các tài sản đảm bảo của PVcomBank tại Nhà máy Sikar xuống cấp nghiêm trọng và việc này có thể khiến PVcomBank không thể thu hồi được bất kỳ khoản nợ nào của Sikar (sau khi trừ các chi phí bảo vệ, xử lý tài sản đảm bảo...).
Việc TAND huyện Hải Lăng, quản tài viên, Công an huyện Hải Lăng không xử lý đối với các tài sản đảm bảo (gồm: Máy móc, thiết bị, nhà xưởng tại Nhà máy Sikar và bất động sản thuộc sở hữu của hộ gia đình ông Trần Hữu Bằng) trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản và điều tra tội phạm dù PVcomBank đã nhiều lần có văn bản đề nghị khiến một số hạng mục tài sản có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, giá trị tài sản bị suy giảm đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của PVcomBank.
Điều đáng nói là sau khi DNTN QL&TLTS Quảng Trị dừng hoạt động, không tiếp tục quản lý hồ sơ phá sản của Công ty Sikar, TAND huyện Hải Lăng và Công an huyện Hải Lăng không có bất kỳ biện pháp nào để đảm bảo việc quản lý các tài sản của Sikar và tài sản đảm bảo của các ngân hàng.
Vì sao có sự quên lãng lạ đời nói trên? Có góc khuất nào trong việc thực thi công vụ của các cơ quan TAND, Công an huyện Hải Lăng, quản tài viên?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin để bạn đọc hiểu rõ./.
Theo Báo điện tử Thanh tra