Ngày đăng: 09:44 AM 27/07/2022 - Lượt xem: 695
Hiện nay tình tạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn ra phức tạp trên tất cả các tuyến. Đặc biệt là trên tuyến hàng không, bưu điện với một số mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo,… ma tuý được vận chuyển qua đường bưu điện từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước.
Theo báo cáo tháng 7 của Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội cho thấy, địa bàn Hà Nội luôn được xác định là điểm nóng, và là một trong những địa bàn tiêu thụ hàng hóa với sức mua rất lớn, trong đó có nhiều hàng hóa nhập lậu; đồng thời là nơi tập kết, trung chuyển của nhiều loại hàng hóa từ nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam và đưa đi các tỉnh khác để tiêu thụ, đặc biệt là trên tuyến hàng không, bưu điện xuất hiện tình trạng vận chuyển hàng lậu không khai báo với cơ quan Hải quan Hà Nội.
Chỉ tính riêng trong tháng 7, các lực lượng chức năng Thành phố đã tiến hành thanh, kiểm tra 3.625 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tổng số thu nộp ngân sách là 450 tỷ 175 triệu đồng, trong đó phạt hành chính 151, 783 triệu đồng, truy thu thuế 298 tỷ 392 triệu đồng.
Cụ thể, ngày 29/6/2022, phòng PC03 - Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Chi cục hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài kịp thời khám phá và bắt giữ 400 kiện hàng hóa là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo… do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; 19 vụ vận chuyển ma tuý qua đường bưu điện từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước. Các đối tượng buôn lậu luôn hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Để ngăn chặn tình trạng này, công an Thành phố đã chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng vận chuyển, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu trên địa bàn Thành phố; Tập trung đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm ATTP...
Trong tháng, Công an Thành phố đã phát hiện, bắt giữ 173 vụ, xử lý 239 vụ (trong đó xử lý 66 vụ tồn). Phạt hành chính 3 tỷ 334 triệu đồng; truy thu thuế 19 tỷ 817 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm 3 tỷ 172 triệu đồng và khởi tố 09 vụ đối với 09 đối tượng.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội với vai trò là Cơ quan Thường trực đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Thành phố triển khai, theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, vi phạm về niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết; bày bán công khai hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Điển hình là vụ phát hiện 1.509 chiếc áo chống nắng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, 1.494 chiếc áo chống nắng mang nhãn hiệu Louis Vuitton, 1.012 chiếc áo chống nắng mang nhãn hiệu Adidas không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ tại Việt Nam; vụ sản xuất, kinh doanh 236.600 lọ trong chứa 01 chiếc kính áp tròng và dung dịch, 70 kg tem, nhãn có chữ Made in Korea, 01 chiếc máy dán nhãn là hàng hóa giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Kết quả trong tháng, Cục đã kiểm tra 505 vụ, xử lý 469 vụ. Phạt hành chính 4 tỷ 677 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm 7 tỷ 612 triệu đồng.
Cục Hải quan thành phố Hà Nội, tăng cường công tác thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm Hải quan quản lý; tập trung kiểm tra các mặt hàng trọng điểm, hàng cấm như ma túy, vũ khí, sản phẩm động vật hoang dã, văn hóa phẩm phản động, linh kiện, thiết bị điện tử đã qua sử dụng; hàng xuất nhập khẩu có điều kiện như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, tiền, kim loại quý, xăng dầu, máy móc, thiết bị y tế đã qua sử dụng; hàng có thuế suất cao như thuốc lá, rượu, bia, điện thoại di dộng; hàng hóa tiêu dùng như bánh kẹo, thực phẩm đông lạnh, gia súc, gia cầm.
Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng khác để chia sẻ thông tin nhằm đấu tranh phát hiện, bắt giữ các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm qua biên giới vào Việt Nam.
Trong tháng, Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 108 vụ, trong đó có 19 vụ vi phạm về vận chuyển ma túy phạt hành chính 3 tỷ 329 triệu đồng; trị giá hàng vi phạm 1 tỷ 42 triệu đồng.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả trên địa bàn Hà Nội trong tháng tiếp theo, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố, yêu cầu các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Nhất là Kế hoạch số 02/KH-BCĐ389/TP ngày 16/02/2022 của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội và các văn bản chỉ đạo đã ban hành trong năm 2022.
Đồng thời, làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, qua đó nhằm chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp để đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn, nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả.
Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục các quy định của pháp luật; quyền và nghĩa vụ của công dân trong công tác phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, cũng như các phương thức, thủ đoạn, hậu quả, tác hại của các loại tội phạm.
theo TCCT