Ngày đăng: 08:54 PM 13/10/2021 - Lượt xem: 832
Dự án “Áp dụng giải pháp hữu ích số 935 về quy trình sản xuất sản phẩm giàu axit béo omega-3 để tạo thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung EPA, DHA chất lượng cao” - do Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện.
Kết quả dự án là áp dụng giải pháp hữu ích để sản xuất thành công viên nang mềm omega-3, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 43/2014/TT-BYT. Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Nature Việt Nam là doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao giải pháp hữu ích, bố trí kinh phí đối ứng và phân phối sản phẩm.
Dự án “Áp dụng các sáng chế số 7913, 9529 và giải pháp hữu ích HI-0201 để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phân thải chăn nuôi, bùn mía và than bùn tại tỉnh Gia Lai” - do Công ty CP Phân bón Fitohoocmon chủ trì thực hiện.
Dự án được xây dựng và triển khai thành công đã tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương là than bùn, phân thải từ các trang trại chăn nuôi và phế thải của các nhà máy chế biến đường, do đó sẽ giảm được chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất, mang lại doanh thu gần 2 tỷ đồng và góp phần nâng cao lợi nhuận cho Công ty gần 320 triệu đồng.
Các sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng của dự án hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tiễn tại địa phương và có tiềm năng về thị trường lớn. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi giúp cho dự án có khả năng nhân rộng và phát triển bền vững.
Dự án “Áp dụng sáng chế số 7430 để xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ rác từ bãi chôn lấp rác thải quy mô cấp huyện” để xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước rỉ rác, công suất xử lý 50m3 nước rỉ rác/ngày đêm và chất lượng nước sau khi xử lý đáp ứng giá trị quy định cột B, QCVN 25:2009/BTNMT, do Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội (chủ sở hữu sáng chế) chủ trì thực hiện.
Dự án được triển khai thực tiễn để xử lý rác thải tại bãi chôn lấp rác thải của thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà, đơn vị phối hợp là Công ty CP Xử lý chất thải Miền Đông cung cấp mặt bằng triển khai, đóng góp toàn bộ vốn đối ứng cho dự án, phối hợp triển khai dự án ngoài hiện trường, đồng thời, là đơn vị tiếp nhận và ứng dụng sáng chế...
Trong khuôn khổ của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020, đã có khoảng 600 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, trong đó có nhiều đơn vị, doanh nghiệp lớn điển hình như Tập đoàn dệt may Việt Nam, Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam, tập đoàn DABACO…
Gần 200 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đưa vào sản xuất kinh doanh. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể như cam Cao Phong, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Lục Ngạn, bưởi Năm Roi Bình Minh…
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên cho đến nay, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu từ cộng đồng. Hoạt động phát triển và thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ đòi hỏi có các giải pháp sáng tạo, khác biệt, độc đáo hơn nữa.
Thời gian tới, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cần tiếp tục đổi mới cách tiếp cận, có các giải pháp triển khai đồng bộ và sáng tạo hơn để trả lời được câu hỏi làm thế nào để đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội.
MINH ANH ( thuonghieucongluan.vn)