Ngày đăng: 08:57 PM 19/04/2022 - Lượt xem: 760
Một nghiên cứu mới của Đại học McMaster (Canada) cho thấy "mô mỡ nâu (BAT) của các bé trai bị béo phì có ít sự vận động hơn so với các bé trai có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường".
Nghiên cứu dựa trên việc chụp cộng hưởng từ MRI (một kỹ thuật tạo hình cắt lớp sử dụng sóng từ trường và sóng radio) 13 bé trai béo phì và 13 bé trai bình thường trong độ tuổi từ 8 đến 10 tuổi nhằm đo hoạt động của mô mỡ nâu ở nhiệt độ 18 độ C.
Bà Katherine Morrison, giáo sư khoa nhi của Trường đại học McMaster, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Mô mỡ nâu giúp cơ thể đốt cháy chất béo thường xuyên và được kích hoạt khi lạnh. Tuy nhiên loại chất béo này hầu như không có bất kỳ phản ứng nào ở những cậu bé bị béo phì khi được kích thích lạnh".
Điều này được đánh giá là bước tiến mới trong việc chữa trị bệnh béo phì ở trẻ em, theo tạp chí khoa học Scitechdaily.
Theo bà Morrison, phát hiện này giúp nhóm nghiên cứu tìm ra cách sao chép hoặc kích thích tác dụng của mô mỡ nâu, đồng thời cung cấp cho chúng ta những liệu pháp mới nhằm điều trị bệnh béo phì ở trẻ.
Bà cũng cho biết thêm hiểu biết mới về mô mỡ nâu cho phép chúng ta điều chế một loại thuốc giúp đốt cháy năng lượng nhiều hơn ở trẻ, từ đó giúp giảm nguy cơ béo phì với các em.
Dẫu vậy, theo Scitechdaily, việc điều chế ra loại thuốc như thế sẽ vẫn phải cần thêm thời gian.
Khi nghiên cứu sẽ phải cần chụp CT (chụp cắt lớp vi tính, là kỹ thuật dùng nhiều tia X quét lên một khu vực của cơ thể theo lát cắt ngang, phối hợp với xử lý bằng máy vi tính để cho ra hình ảnh 2 chiều hoặc 3 chiều của bộ phận cần chụp). Cùng với đó là chụp PET (chụp cắt lớp positron, là kỹ thuật sử dụng chất phóng xạ để ghi nhận thông tin về chức năng của các mô và cơ quan trong cơ thể).
Hai phương pháp này sẽ có thể gây nguy hiểm đến đối tượng nghiên cứu khi phải tiếp xúc với bức xạ ion hóa của CT và PET. Đây cũng chính là khó khăn của dự án này.
Theo tuoitre.vn