Ngày đăng: 10:32 AM 03/01/2022 - Lượt xem: 938
Sáng 31.12, báo cáo tổng kết năm 2021 từ Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho thấy trong cả năm đã xử lý 1.325 vụ trong tổng số 1.977 vụ kiểm tra hàng hóa. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hơn 29,45 tỉ đồng. Trong đó có 25 vụ chuyển sang cơ quan tố tụng xem xét khởi tố hình sự với tang vật, phương tiện vi phạm ước tính khoảng 30 tỉ đồng. So với cả năm 2020, số vụ vi phạm bị xử phạt giảm gần 50%.
|
Cục Quản lý thị trường TP.HCM dự báo hoạt động gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả có chiều hướng gia tăng trở lại trong năm 2022 |
Cơ quan này nhận định, do nhu cầu mua các sản phẩm phòng, chống dịch, vật tư y tế để sử dụng của người dân tăng cao trong cao điểm chống dịch năm 2021, các đối tượng đã lợi dụng để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng này để trục lợi. Đáng chú ý, các vụ việc được phát hiện đều vận chuyển trên các container, xe tải, các kho chứa trữ phục vụ cho việc kinh doanh hàng hóa qua thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber... Thậm chí, một số đối tượng còn lợi dụng xe vận chuyển hàng hóa được cấp mã luồng xanh để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm.
Hiện nay dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tình hình cung cầu hàng hóa chưa được khôi phục trở lại bình thường là điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm...
Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, gian lận về thuế... không giảm. Hàng hóa tiếp tục được tập kết tại các kho hàng, bến bãi; Vận chuyển kinh doanh hàng lậu, hàng giả... sẽ phát sinh thông qua các dịch vụ bưu điện, chuyển phát nhanh.
Nhiều sản phẩm buôn lậu, hàng nhái bị quản lý thị trường phát hiện trong năm 2021 |
Cục Quản lý thị trường TP.HCM dự báo trong bối cảnh đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp trở lại trong năm 2022. Cơ quan này sẽ tập trung kiểm soát các nhóm hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm, thuốc lá, ngoại tệ, xăng dầu, mỹ phẩm, thời trang cao cấp và đặc biệt là các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Song song đó, Cục Quản lý thị trường TP.HCM sẽ phối hợp với Cục Thuế TP.HCM trong trao đổi thông tin, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế đối với tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong thương mại điện tử, trên các trang mạng xã hội...
theo Thanhnien