Ngày đăng: 09:57 AM 22/12/2021 - Lượt xem: 765
Xã hội ngày càng phát triển, dẫn đến việc giao dịch mua bán trên các nền tảng số trở thành một xu hướng tất yếu. Dự báo đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam có thể đạt ngưỡng hơn 40 tỷ USD, đứng thứ 3 trong khối ASEAN.
Tuy nhiên, thương mại điện tử phát triển cũng kéo theo nhiều vấn đề phát sinh, đặc biệt là việc các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ "chớp thời cơ" tham gia kinh doanh tại các sàn thương mại điện tử nhằm mục đích thu lợi bất chính.
Tại toạ đàm “Nhận diện thủ đoạn buôn bán hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử”, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhận định, "Việc sản xuất, kinh doanh hàng gỉa, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trên các nền tảng thương mại điện tử có hệ luỵ vô cùng to lớn cho xã hội. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ cảu người tiêu dùng mà còn của các doanh nghiệp".
Ông Nguyễn Đức Lê cũng cho biết thêm, để đạt được mục đích thu lợi bất chính, nhiều cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng giả hàng nhái, hàng nhập lậu thường xuyên thay đổi thủ đoạn hoạt động nhằm né tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng như thuê các đơn vị vận chuyển làm đơn vị trung gian để giao dịch hàng hoá với người tiêu dùng; các đối tượng sử dụng hình ảnh của các sản phẩm chính hãng để quảng bá sản phẩm; lợi dụng vào các công cụ thanh toán số để thực hiện giao dịch; các sản phẩm khi kinh doanh thường không được ghi đầy đủ thông tin về người bán, địa chỉ một cách cụ thể...
Có 4 nhóm giải pháp chính để ngăm chặn, xử lý tình trạng gian lận thương mại trong thương mại điện tử được áp dụng: Xây dựng hệ thống văn bản pháp luật; Nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử; Xây dựng đội ngũ chuyên trách nâng cao năng lực xử lý hành vi trên sàn thương mại điện tử; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao năng lực hành vi của người tiêu dùng và người bán hàng.
Để nhận diện hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu người tiêu dùng cần lưu ý một số điểm như sau: Giá cả của sản phẩm quá rẻ so với giá mà nhà sản xuất hàng chính hãng đưa ra thị trường; Người bán hàng không cung cấp được đầy đủ thông tin của sản phẩm; Người tiêu dùng nên tìm hiểu về sản phẩm, đơn vị bán hàng có uy tín hay không; Liên hệ đến các cơ quan chức năng gần nhất, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường khi phát hiện ra mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Bàn về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, hiện nay người tiêu dùng có sức ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thị trường, nhất là các đơn vị kinh doanh trên các nền tảng số. Do vậy, người tiêu dùng nên nâng cao nhận thức để lựa chọn các đơn vị kinh doanh uy tín, tăng cường phản ánh nếu gặp phải đơn vị kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Tết Nguyên đán đến gần, Cơ quan Quản lý thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ gian lận thương mại lớn hơn thông thường bởi quy mô thị trường, tốc độ mua bán tăng lên rất nhiều; người tiêu dùng sẽ lựa chọn mặt hàng ít có kinh nghiệm như quà để biếu Tết nên nhiều nhà kinh doanh dễ trà trộn hàng giả, hàng nhái để bán cho khách hàng; Nguy cơ dịch bệnh khiến cho thị trường giao dịch trên các sàn thương mại điện tử trở nên nhộn nhịp sẽ phát sinh nguy cơ hàng giả,, hàng nhái cao hơn bình thường.
Với sưj phát triển của công nghệ, việc phát triển các sàn thương mại điện tử sẽ tạo sự thuận lợi cho người tiêu dùng nhưng cũng là cơ hội để các đối tượng lợi dụng mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu,... Do vậy, người tiêu dùng nên nêu cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng hàng chính hãng và phản ánh đến cơ quan chức năng khi gặp phải các trường hợp phát sinh về gian lận thương mại trong quá trình tiêu dùng.
theo TCDN