Ngày đăng: 10:46 AM 31/03/2022 - Lượt xem: 3388
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (bộ Công Thương) |
Tình hình tiêu thụ nông sản đạt kết quả khả quan
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 30/3, trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề nông sản, Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, tình hình tiêu thụ nông sản trong 3 tháng đầu năm 2022 rất tốt đặc biệt gạo, cà phê, thủy sản, xuất khẩu nông sản đạt 7,2 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng xuất khẩu chung của các mặt hàng là 10%, riêng tăng trưởng xuất khẩu nông sản đạt 19%. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn ở một số nhóm hàng và một số thời điểm cụ thể. Gần đây nhất liên quan đến mặt hàng trái cây xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ biên giới sang Trung Quốc.
Đối với trường hợp này, Bộ Công Thương hết sức quan tâm và trong thời gian qua Bộ đã có một số động thái như: Bộ đã dự thảo và trình Thủ tướng Đề án về chuyển hoạt động thương mại biên giới từ tiểu ngạch sang chính ngạch; Thành lập Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng ban, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ là thành viên;
Tăng trưởng xuất khẩu nông sản đạt 19% trong 3 tháng đầu năm 2022 |
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc đẩy mạnh đàm phán với phía Trung Quốc làm sao để gia tăng số lượng mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới; Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn doanh nghiệp thay đổi phương thức giao nhận, bên cạnh đường bộ cũng tận dụng các phương thức khác như đường sắt, đường biển…
Tích cực phối hợp với các Bộ, ngành nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản
Liên quan đến kế hoạch tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo giao một số đơn vị chức năng thuộc Bộ trong đó có Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước và các Vụ thị trường ngoài nước… tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương có sản phẩm nông sản đến mùa vụ để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, cả trong nước và nước ngoài.
Đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử |
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã triển khai hàng loạt hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm với các thị trường nước ngoài trên cả môi trường trực tiếp và trực tuyến; Hội nghị giao thương nhóm mặt hàng cụ thể với thị trường tiềm năng; Tổ chức hội chợ triển lãm cho các sản phẩm nông sản.
Bộ Công Thương cũng giao Cục Xúc tiến thương mại triển khai, xây dựng bản đồ nông sản Việt Nam, đây sẽ là kênh thông tin chính thức, giới thiệu khách hàng tiềm năng cho sản phẩm nông sản từng địa phương, và thông qua môi trường mạng hoàn toàn có thể kết nối trực tiếp từng địa phương, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất.
Trong thời gian tới, với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2020 -2030, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành, các địa phương, cơ quan xúc tiến thương mại có liên quan tích cực triển khai việc đưa các ứng dụng số, nền tảng số để hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho sản phẩm nông sản cho bà bà con, giúp bà con chủ động chào bán sản phẩm của mình.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các địa phương, hiệp hội, trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp để ứng dụng công nghệ số bán hàng online, và đã kết nối với nhiều sàn Thương mại điện tử lớn như Amazon, Global Selling… mà Bộ đã ký hợp tác. Tương tự, vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã làm việc với Alibaba để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
“Kể cả khi không còn dịch bệnh, chắc chắn đây vẫn là sẽ xu hướng cần được đẩy mạnh trong tương lai”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.