Ngày đăng: 09:42 AM 27/07/2022 - Lượt xem: 711
Những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh nhìn nhận, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh, mua bán hàng hóa trực tiếp của người dùng, trong bối cảnh này, việc kinh doanh, mua bán, giao nhận và vận chuyển hàng hóa qua các hình thức thương mại điện tử càng trở nên hữu dụng và được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng.
Hàng hoá giới thiệu trên các website bán hàng trực tuyến, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, các ứng dụng bán hàng online rất phong phú, đa dạng với hàng ngàn chủng loại sản phẩm cùng nhiều hình thức giao nhận, thanh toán khác nhau. Tuy nhiên, môi trường này lại đang tiềm ẩn nhiều hành vi gian lận trong kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
“Mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi đó các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử cũng gặp không ít khó khăn, do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” này không đơn giản”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh chỉ rõ.
Cũng theo Tổng Cục trưởng, thương mại điện tử đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung và với công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử nói riêng. Nhất là thương mại điện tử về thực phẩm.
Trước thực trạng này, thông tin về công tác triển khai thực hiện, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, Tổng cục QLTT đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác về Thương mại điện tử. Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Tổng Cục trưởng trong công tác QLTT về thương mại điện tử. Tiếp đến, ngày 27/7/2021, Tổng Cục trưởng cũng ban hành Công văn số 1621/TCQLTT-VPTC gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố về việc thành lập Tổ công tác về thương mại điện tử.
Ngoài ra, Tổng Cục QLTT cũng chủ trì thành lập Đoàn theo dõi tình hình thi hành pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, tiến hành xem xét, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật, thống nhất trong áp dụng pháp luật về kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử và xem xét, đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện thi hành pháp luật về kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử tại một số Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo báo cáo của Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2021 lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 140 vụ việc liên quan đến thương mại điện tử, xử lý 132 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 2,5 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 3,5 tỷ đồng.
Riêng trong 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 168 vụ việc, xử lý 147 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 1,9 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại...
Bên cạnh những kết quả đã làm được, song Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh vẫn cho rằng, việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn đang gặp nhiều khó khăn. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Có những đối tượng duy trì thường trực hàng trăm tài khoản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để ngay lập tức có thể thay đổi khi bị phát hiện.
“Việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể. Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều có rủi ro bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh, trong khi thẩm quyền của lực lượng QLTT không thể đề xuất lấy các sao kê ngân hàng để theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng mà phải thông qua cơ quan Công an. Các đối tượng kinh doanh hàng hóa vi phạm thường có quy mô nhỏ lẻ nên rất khó phát hiện, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh chỉ rõ.
Bên cạnh đó, cũng theo Tổng Cục trưởng, các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Một số đối tượng lập các website thương mại điện tử, mạng xã hội với nội dung thông tin y hệt các website, địa chỉ của các cơ sở có uy tín khác khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn. Mặt khác, bản thân người tiêu dùng chưa nâng cao ý thức trong hoạt động mua bán thực phẩm, ý thức tố giác tội phạm còn e dè đã nhiều khi tiếp tay cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đúng theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, để công tác chống hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc trên môi trường thương mại điện tử đạt hiệu quả cao hơn nữa, Tổng cục QLTT kiến nghị, cần tăng cường phối hợp giữa các đơn vị chức năng liên quan như Công an... trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, trọng tâm, là phối hợp với các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm.
Liên quan đến công tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử, thời gian tới Tổng cục QLTT, sẽ đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho lực lượng QLTT về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử của Bộ Công Thương. Đặc biệt các kỹ năng liên quan tới điều tra, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng.
Tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp, đặc biệt các chủ sở hữu các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, Tổng cục QLTT cũng tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT các địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương nhằm mang lại hiệu quả cao trong kiểm tra, xử lý vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.
theo TCCT