Ngày đăng: 10:09 AM 11/09/2021 - Lượt xem: 5420
Hai doanh nghiệp bia lớn nhất tại Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính 2016. Theo đó, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đạt doanh thu hơn 30.666 tỷ đồng trong năm 2016, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, riêng quý IV đạt hơn 8.844 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 80%.
Kết thúc năm 2016, doanh nghiệp bia giữ thị phần lớn nhất khu vực phía Nam đạt lợi nhuận hơn 4.655 tỷ đồng, tăng gần 33% so với năm 2015 và vượt 27% kế hoạch năm. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi Sabeco được thành lập.
Trong khi đó, doanh nghiệp đứng đầu thị trường miền Bắc - Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) lại cho thấy một kết quả trái ngược. Kết thúc năm 2016, Habeco dù vẫn tăng trưởng doanh thu so với năm 2015, đạt hơn 10.337 tỷ đồng, tăng hơn 7% nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 740 tỷ đồng, giảm hơn 20% cùng kỳ.
Riêng trong quý cuối cùng của năm 2016, dù doanh thu và lợi nhuận gộp vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ 2015, nhưng khoản lỗ từ hoạt động khác tăng đột biến khiến Habeco ghi nhận lỗ ròng gần 16 tỷ đồng. Mặc dù là quý cuối năm nhưng chi phí quảng cáo khuyến mại trong quý IV/2016 của Habeco giảm hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ, chỉ còn gần 162 tỷ đồng. Lợi nhuận của doanh nghiệp này năm 2016 là mức thấp nhất kể từ năm 2010 trở lại đây. Năm 2012 lợi nhuận của Habeco từng tiến sát mốc 1.000 tỷ đồng.
Ngành bia Việt Nam hiện do 4 công ty lớn thống lĩnh, gồm: Habeco (Hanoi Brewery), Hue Brewery (do Carlsberg sở hữu 100% vốn), Sabeco (Saigon Brewery) và Heineken NV. Tổng cộng 4 doanh nghiệp trên theo ước tính nắm 90% sản lượng bia bán ra.
Sabeco là doanh nghiệp giữ thị phần hàng đầu thị trường phía Nam còn Habeco lại chiếm ưu thế ở phía Bắc. Tuy nhiên, khi thị hiếu của người tiêu dùng dần hướng đến phân khúc trung và cao cấp, các sản phẩm giá rẻ không còn giữ được vị thế, Habeco có phần lép vế hơn so với Sabeco trong cuộc đua gia tăng tầm ảnh hưởng.
Theo nghiên cứu thực hiện bởi Nielsen, thị phần của Sabeco tại thị trường miền Bắc đã tăng từ 10% năm 2014 lên khoảng 14% trong năm 2015 và 15,5% trong 6 tháng đầu năm 2016. Trong khi đó, thị phần của Habeco tại miền Bắc đã giảm từ mức khoảng 55% trong năm 2014 xuống còn 50% trong 6 tháng đầu năm.
Trúc Bạch - dòng sản phẩm cao cấp của Habeco cũng được đánh giá không có được sự quan tâm từ phía khách hàng do công tác làm thương hiệu và marketing còn yếu, khiến Tổng công ty đang dần đánh mất thị phần tại thị trường truyền thống.
Tuy vậy, cả hai doanh nghiệp bia giữ thị phần đứng đầu tại hai miền đất nước đều đang nằm trong lộ trình thoái vốn Nhà nước đã được Chính phủ thông qua, dự kiến sẽ được thực hiện trong năm nay. Trong đó, không ít những cái tên đình đám như Asahi, Kirin, AB InBev, Carlsberg hay Heineken... đang trông chờ để gia tăng tầm ảnh hưởng đối với thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như Việt Nam.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, sản lượng bia tiêu thụ năm 2016 của Việt Nam đạt gần 3,8 tỷ lít, tăng gần 12% so với năm 2015. Thống kê cũng cho thấy, nếu như năm 2008, Việt Nam mới đứng thứ 8 châu Á về tiêu thụ bia, thì 8 năm sau đó (năm 2016) đã vươn lên vị trí thứ 3, sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Năm 2000, bình quân mỗi người Việt chỉ tiêu thụ hơn 10 lít bia thì đến năm 2012, con số này đạt đã 32 lít và chỉ sau 4 năm, trung bình mỗi người Việt uống 42 lít bia.